viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

GIỚI, SỨC KHỎE VÀ VIỆC LÀM (Phần 1)

10.12.2018 920

Phần 1: Sức khỏe nghề nghiệp liên quan đến sinh lý và các khác biệt về tâm lý xã hội của nam giới và nữ giới

Việc của “phụ nữ” và việc của “nam giới”

Hầu hết trong các lĩnh vực phụ nữ và nam giới đều thực hiện các công việc khác nhau. Phụ nữ thường làm việc trong khu vực phi chính thức hơn nam giới (ví dụ làm nội trợ hoặc bán hàng rong).

Công việc và điều kiện làm việc có thể khác nhau theo giới tính. Ở một số nước, phụ nữ thường phải làm công việc nặng nhọc (khuôn, vác) còn nam giới thường làm các công việc quản lý. Có những quốc gia, phụ nữ có khả năng thất nghiệp cao hơn nam giới và ngược lại, có những quốc gia nam giới lại có khả năng thất nghiệp cao hơn phụ nữ. Phụ nữ có xu hướng làm việc trong nhà nhiều hơn làm việc ngoài trời, là người chịu trách nhiệm chính trong gia đình. Nam giới ở nhiều nước làm các công việc theo mùa như thủy sản hay lâm nghiệp. Trên toàn cầu, phụ nữ phải chịu áp lực cạnh tranh phát triển, dẫn đến mất an toàn trong công việc, bị giới hạn các khả năng đào tạo và xúc tiến cũng như không được hưởng các phúc lợi xã hội (như bảo hiểm, nghỉ ốm...


Phụ nữ bán hàng rong

Phơi nhiễm với các yếu tố có hại tại nơi làm việc cũng thường khác nhau theo giới tính. Ở các nước đang phát triển, phụ nữ và nam giới làm việc ở các nơi khác nhau trong nông nghiệp, khai thác mỏ, sản xuất và dịch vụ. Ví dụ ở Nam Phi, phụ nữ thường xuyên tiếp xúc gián tiếp với thuốc trừ sâu trong quá trình trồng và thu hoạch còn nam giới tiếp xúc trực tiếp với thuốc trừ sâu trong quá trình thu mua, phân phối. Phụ nữ và nam giới chịu tác động khác nhau về gánh nặng thể lực, tâm sinh lý (do tính lặp đi lặp lại của công việc, nâng nhấc vật nặng hay tính đơn điệu trong công việc). Phụ nữ thường phải đảm nhiệm thêm công việc chăm sóc sức khỏe cho đồng nghiệp tại nơi làm việc, do đó phải tiếp xúc với các nguy cơ như nhiễm trùng, chấn thương, bạo hành, rối loạn cơ xương và cả kiệt sức. Phụ nữ thường bị phân biệt đối xử và bị quấy rối nhiều hơn nam giới đặc biệt là khi họ làm các công việc phi kết cấu.

Sức khỏe nghề nghiệp liên quan đến sinh lý và các khác biệt về tâm lý xã hội

Hệ thống sinh sản giữa phụ nữ và nam giới khác nhau. Phụ nữ có kinh nguyệt, mang thai và dành thời gian cho con bú. Các quá trình này có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ tại nơi làm việc. Ví dụ: đứng lâu ảnh hưởng đến cân nặng khi sinh và một số hóa chất có thể gây ra những dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Quá trình sản sinh tinh trùng ở nam giới cũng có thể bị ảnh hưởng bởi việc tiếp xúc với các hóa chất, rung và bức xạ nhiệt.

Nam giới có thể trạng cao hơn, nặng hơn phụ nữ, góp phần vào sự khác biệt giới tính trong một số các biến quan trọng khác nhau liên quan đến sức khỏe như lượng máu, mức tiêu thụ oxy. Với cùng một vật nâng nhấc có tải trọng vật lý tương đương nhau có thể gây ra sự căng thẳng trên mức trung bình ở người phụ nữ hơn so với nam giới, vì khả năng nâng nhấc của phụ nữ chỉ bằng 50% so với nam giới.

Một khía cạnh ít được đề cập đến về sự khác biệt giới tính là quá trình sản sinh độc tố và sự trao đổi của chúng trong quá trình lao động. Có 1 giả thuyết được đưa ra mức trung bình của phụ nữ có nguy cơ bị tổn thương cao hơn do các hóa chất tan trong chất béo vì tỷ lệ mô mỡ ở phụ nữ cao hơn, lớp da mỏng hơn và quá trình chuyển hóa diễn ra chậm hơn. Phần trăm chất béo còn phụ thuộc cả vào độ tuổi, việc rèn luyện thể chất.

Mặc dù không có nhiều khác biệt về tâm lý giữa phụ nữ và nam giới đã được khoa học chứng minh, tuy nhiên một số điểm như nam giới có lòng tự trọng và sự tự tin cao hơn phụ nữ và một khía cạnh khác là phụ nữ cảm xúc nhiều hơn. Khác biệt nam – nữ trong giáo dục, xã hội hóa và quá trình nuôi dưỡng có thể dẫn đến các khác biệt trong cách người lao động quản lý bệnh tật của họ, nhận thức của họ về rủi ro, và xu hướng xử lý, khám chữa bệnh khi bị bệnh.

Vì vậy, sự khác biệt trong tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ có thể kết hợp với sự khác biệt về mặt sinh học, tâm lý xã hội để tạo ra các mô hình nghề nghiệp theo giới tính và các vấn đề sức khỏe 1 cách cụ thể. Do đó, điều quan trọng là phải kiểm tra, nghiên cứu, thực hiện các chính sách về sức khỏe nghề nghiệp, các dự án và chương trình về giới tính.

 

Tình trạng sức khỏe

Mặc dù có những công việc được trả lương rất tốt cho cả phụ nữ và nam giới, nhưng một số điều kiện lao động lại nguy hiểm về cả thể chất và tinh thần với họ. Theo Tổ chức lao động Quốc tế (ILO) mỗi năm ước tính có 2,2 triệu lao động tử vong liên quan đến tai nạn thương tích và bệnh nghề nghiệp; 160 triệu trường hợp bệnh liên quan đến công việc phát sinh mới. Thông tin đó là thống kê chưa đầy đủ ở các nước đang phát triển và cũng không phải tất cả các vấn đề đều được báo cáo. Vì vậy những con số này chưa đánh giá đúng mức độ thực tế. Ví dụ theo ước tính của châu Mỹ La tinh chỉ 1 – 4% tổng số ca bệnh nghề nghiệp được báo cáo.

Các trường hợp chấn thương và bệnh liên quan đến nghề nghiệp của phụ nữ thậm chí còn được ít báo cáo chính xác hơn, vì công việc của phụ nữ thường được cho là an toàn hơn. Các vấn đề sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp của phụ nữ khi chẩn đoán và được đền bù cũng thường dễ bị từ chối. Ví dụ trong biểu đồ dưới đây cho thấy bệnh được đền bù theo giới tính ở Thụy Điển.


Báo cáo bệnh nghề nghiệp được đền bù theo giới ở Thụy Điển giai đoạn 1994 - 1997
Như vậy có nhiều tai nạn và bệnh liên quan đến nghề nghiệp của phụ nữ không được ghi nhận là bệnh nghề nghiệp, không được đền bù bởi hệ thống bảo hiểm xã hội và không được tính là bệnh liên quan đến nghề nghiệp.

Biên dịch:

Trần Trọng Hiếu

Hồng Quang Thống

Tài liệu tham khảo

http://www.who.int/gender/other_health/Gender,HealthandWorklast.pdf?ua=1

Để có thêm kiến thức, công cụ áp dụng, tư vấn đánh giá và cải thiện về điều kiện lao động, gánh nặng lao động trí óc và Ecgônômi trong lao động cho sự khác nhau về giới (nam và nữ giới) nhằm giảm thiểu các vấn đề liên quan đến sức khỏe người lao động, nâng cao sức khỏe người lao động, cải thiện hiệu quả công việc hãy liên hệ với chúng tôi:

KHOA TÂM SINH LÝ LAO ĐỘNG VÀ ECGÔNÔMI

Điện thoại: ( 84-24 )-38213491*137

Email: tamsinhlyecgonomi@gmail.com

Hotline tư vấn: 0904284487


02439714361

Về đầu trang