viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

MỘT SỐ YẾU TỐ NGUY CƠ KHÔNG LÂY NHIỄM PHỔ BIẾN TRONG CÁC CƠ SỞ Y TẾ

17.05.2018 1044

Khoa Vệ sinh và An toàn lao động

Nhân viên y tế phải đối mặt với nhiều nguy cơ trong quá trình làm việc, dưới đây là một số yếu tố nguy cơ không lây nhiễm phổ biến trong các cơ sở y tế.

1. Các yếu tố vật lý

Một số yếu tố nguy cơ có thể cảm nhận được như: tiếng ồn có thể nghe thấy, rung và nóng đều cảm thấy.

Một số yếu tố nguy cơ không cảm nhận được như: sóng điện từ, phóng xạ. Các yếu tố này đều được cảnh báo bằng các biển, các quy định an toàn vệ sinh...

1.1. Bức xạ ion hoá (phóng xạ)

  • Khái niệm : Phóng xạ là hiện tượng thay đổi bên trong hạt nhân của một chất không cần tác động của bên ngoài với sự phát ra các bức xạ liên tục và khác nhau mà không có tác nhân nào làm ngừng được. Các bức xạ này khi chiếu vào vật chất làm ion hoá đối tượng bị chiếu nên còn được gọi là bức xạ ion hoá. Phân biệt các loại bức xạ ion hoá sau: bức xạ anpha, beta, gamma do các chất đồng vị phóng xạ phát ra; còn bức xạ tia X phát sinh từ bóng Rơnghen.
  • Nguồn phát sinh: các máy X quang, thiết bị xạ trị, các đồng vị phóng xạ.
  • Các vị trí chịu ảnh hưởng: nhân viên X quang; nhân viên khoa y học hạt nhân; nhân viên xạ trị; nhân viên các khoa xét nghiệm và điều trị có sử dụng chất phóng xạ VD: định lượng một số hócmon, điều trị bệnh ung thư .
  • Ảnh hưởng: mệt mỏi & suy nhược khi mới tiếp xúc; tiếp xúc liều vượt quá mức cho phép lâu dài có thể bị bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp: ngoại chiếu do chiếu ngoài, nội chiếu khi chất phóng xạ xâm nhiễm vào bên trong cơ thể.
  • Biện pháp dự phòng: yêu cầu thiết kế nơi làm việc bảo đảm an toàn vệ sinh bức xạ, đo kiểm tra an toàn bức xạ ion hoá định kỳ nơi làm việc. Tuân thủ nghiêm ngặt các quy định an toàn vệ sinh bức xạ khi vận hành máy, khi sử dụng các nguồn hoá chất đồng vị phóng xạ. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân, sử dụng thiết bị đo liều cá nhân. Khám sức khoẻ định kỳ kèm theo xét nghiệm máu, phát hiện sớm “Bệnh nhiễm xạ nghề nghiệp”.

1.2. Điện từ trường:

  • Nguồn phát sinh: điện lưới cao thế, các máy phát sóng ngắn.
  • Các vị trí chịu ảnh hưởng: nhân viên phụ trách điện; y bác sĩ khoa lý liệu pháp.
  • Ảnh hưởng: say sóng điện từ, bỏng sóng điện từ, điện giật, suy nhược thần kinh, vô sinh.
  • Biện pháp dự phòng: yêu cầu thiết kế nơi làm việc bảo đảm an toàn vệ sinh bức xạ, đo đạc cường độ điện từ trường nơi làm việc. Thực hiện đúng các quy định an toàn vệ sinh bức xạ khi vận hành máy. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân.

1.3. Vi khí hậu nóng:

  • Khái niệm: vi khí hâu là tổng hợp các yếu tố khí hậu như: nhiệt độ, độ ẩm, bức xạ nhiệt, vận tốc không khí tại nơi làm việc. Vi khí hậu nóng là nơi có nhiệt độ bằng và lớn hơn 32độ C (Với lao động nhẹ 34 độ , LĐ nặng 30 độ )
  • Nguồn nhiệt lớn: nồi sấy hấp, nhà giặt, nhà ăn.
  • Các vị trí chịu ảnh hưởng: Buồng nồi hơi, bếp, buồng giặt là; Một số nơi có thể bị nóng vào những ngày hè nhất là những nơi buồng thông gió kém
  • Ảnh hưởng: Mất mồ hôi, mất nước và điện giải; Mệt mỏi, giảm khả năng lao động; Những trường hợp nặng có thể gây say nóng dẫn đến đột quỵ, chuột rút, ban nhiệt, ngất nhiệt…
  • Biện pháp dự phòng: cách ly nguồn nhiệt, bố trí phòng nghỉ mát ; vệ sinh nhà xưởng

1.4.Tiếng ồn

  • Nguồn ồn: các loại máy móc, thiết bị phát ra, ồn ào do giao tiếp.
  • Các vị trí có nguy cơ tiếp xúc với tiếng ồn rất phổ biến là phòng khám, phòng thí nghiệm, nhà bếp, y vụ, phòng điều dưỡng, khu vực nồi hơi, xưởng sửa chữa…(hoạt động của hệ thống thông gió…).
  • Ảnh hưởng:
    • Tiếng ồn có thể gây tổn thương thính giác, tuỳ theo mức độ ồn và thời gian tiếp xúc mà mức độ tổn thương khác nhau, từ giảm độ nhạy có thể phục hồi sau nghỉ ngơi đến tổn thương vĩnh viễn gây điếc.
    • Tiếng ồn có thể gây biến đổi các chức năng của hệ tim mạch, nội tiết, thần kinh, và các chức năng sinh lý khác (phản ứng stress).
    • Ngoài ra tiếng ồn còn có những ảnh hưởng khác, làm việc trong môi trường tiếng ồn lớn người lao động khó giao tiếp, khó tập trung dễ bị tai nạn lao động,.
  • Các biện pháp dự phòng: yêu cầu xác định mức ồn, đo thính lực khi tiếp  xúc với mức ồn cao. Sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân như nút tai khi làm việc với tiếng ồn lớn; cải thiện môi trường: lắp đặt cabin cách âm; bảo dưỡng tốt máy móc...

   1.5. Rung chuyển:

  • Nguồn rung: do các thiết bị cầm tay như các loại búa khí nén, cưa máy và các phương tiện giao thông xe cộ phát ra.
  • Các vị trí chịu ảnh hưởng: NVYT vận chuyển bệnh nhân trên xe cứu thương; y bác sĩ sử dụng một số thiết bị có phát rung, VD: máy khoan răng, cưa cắt xương…
  • Ảnh hưởng: gây tổn thương xương khớp tay, cột sống, bệnh dạ dày, tiền đình.
  • Biện pháp phòng chống: Cải thiện môi trường: hệ thống giảm rung xóc của xe cộ; bảo dưỡng tốt máy móc...

 

2. Các yếu tố hoá học

     2.1. Khái niệm nguy cơ tiếp xúc với hoá chất nơi làm việc

Các hoá chất ở nơi làm việc dưới dạng hơi, khí, bụi, dung dịch, chất rắn ... có khả năng gây ra những ảnh hưởng cấp tính hoặc mạn tính, nguy hiểm cho sức khoẻ, sự sống cho người lao động tại nơi làm việc khi tiếp xúc. Các ảnh hưởng phụ thuộc chủ yếu vào (1) nồng độ và thời gian tiếp xúc ; (2) đường tiếp xúc ; (3) tính chất lý hoá học của các hoá chất.

     2.2. Nguồn phát sinh

  • Hoá chất sát trùng và khử khuẩn như: chlorine, iodine, formaldehyde, …
  • Hoá chất sử dụng trong các phòng xét nghiệm sinh hoá, huyết học, tế bào, giải phẫu bệnh…
  • Dược liệu, thuốc các loại sử dụng trong khám chữa bệnh cũng đều có bản chất hoá học như : chất gây mê gây tê, các hoá chất chữa ung thư, thuốc an thần, kháng sinh…Nhiều loại là độc dược thuộc bảng A.

     2.3. Nguy cơ tiếp xúc và ảnh hưởng tới sức khoẻ

  • Hoá chất thâm nhập vào cơ thể theo 3 đường chính:

+ Đường hô hấp là đường vào quan trong nhất trong tiếp xúc nghề nghiệp

+ Hấp thụ qua da khi tiếp xúc trực tiếp với hoá chất.

+ Đường tiêu hoá do ăn hoặc uống phải khi thiếu vệ sinh.

  • Ảnh hưởng của hoá chất tới sức khoẻ:
    • Tác hại lên da, niêm mạc mắt và mũi: chiếm 90% trong số các ảnh hưởng, hay gặp nhất với NVYT là do các loại hoá chất sát trùng tiệt khuẩn; có thể dẫn tới chàm kích thích, chàm tiếp xúc dị ứng.
    • Tác hại lên đường hô hấp gây nhiễm độc cấp tính, gây các bệnh đường hô hấp như: viêm phế quản xuất tiết, viêm phế quản mãn tính, khí phế thũng, viêm thuỳ phổi.
    • Gây ảnh hưởng toàn thân: ảnh hưởng đến hệ thần kinh, cơ quan tạo máu, cơ quan tiêu hoá, tiết niệu, sinh sản . VD : các chất gây mê, các hoá chất chữa ung thư.

      2.4. Biện pháp dự phòng

  • Biết loại hoá chất đang tiếp xúc thuộc loại bảng độc nào, đường xâm nhập vào cơ thể, biện pháp phòng ngừa và vệ sinh cá nhân.
  • Nắm vững qui trình làm việc an toàn. Nhận biết nguy cơ và sự cố khi những biện pháp kiểm soát bị hư hỏng. Hiểu được thông tin ghi trên các nhãn.
  • Sử dụng đúng và hiệu quả các phương tiện bảo vệ cá nhân, các biện pháp sơ cứu ban đầu khi xẩy ra tai nạn.

 

3. Bụi

  • Trong môi trường làm việc của NVYT không có nguồn phát sinh bụi lớn nhưng cũng cần lưu ý tới những hạt lơ lửng. Đó là những hạt bụi nhỏ, kích thước micrô mét có thể chứa các mầm bệnh như nấm, virut hoặc vi khuẩn.
  • Biện pháp dự phòng : chủ yếu là giữ vệ sinh sạch sẽ nơi làm việc, áp dụng các biện pháp khử trùng không khí theo quy định của công tác “phòng chống nhiễm khuẩn”.

 

(Nguồn: An toàn Vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp trong các cơ sở y tế, Viện Y hoc lao động và Vệ sinh môi trường)

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang