viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường kỷ niệm 37 năm thành lập

22.04.2019 975

 Ngày 22/04/2019, tại Hà Nội, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác chỉ đạo tuyến năm 2019; Hưởng ứng chương trình Sức khỏe Việt Nam với chủ đề “Khỏe để lao động sản xuất tốt hơn” và Kỷ niệm 37 năm Ngày thành lập Viện (24/4/1982-24/4/2019).

AnyConv.com__3(12).jpg

PGS.TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường cho biết: Trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân đặc biệt là người lao động với lực lượng lớn tạo ra của cải vật chất, góp phần phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Trước yêu cầu cấp bách của công tác vệ sinh phòng dịch, phổ biến thường thức vệ sinh trong nhân dân, năm 1956 Bộ Y tế đã thành lập Viện Vệ sinh, năm 1961 thành lập Viện Vệ sinh dịch tễ học với phòng Vệ sinh lao động với chức năng vệ sinh chung cho các xí nghiệp, nhà máy và giáo dục an toàn lao động. 

AnyConv.com__5(11).jpg

Đại diện Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế báo cáo hoạt động y tế lao động phòng chống bệnh nghề nghiệp năm 2018 và phương hướng năm 2019 tại Hội nghị
AnyConv.com__6(8).jpg
TS.BS. Nguyễn Đức Sơn, Phó Viện trưởng báo cáo kết quả chỉ đạo tuyến năm 2018

Tuy nhiên, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, các ngành công nghiệp phát triển mạnh, ô nhiễm môi trường gia tăng cùng với các bệnh nghề nghiệp phát sinh trong quá trình sản xuất. Ngày 24/4/1982, Bộ Y tế ra Quyết định số 370/QĐ-BYT về thành lập Viện Y học lao động, trở thành một sự kiện lịch sử đối với cán bộ làm công tác chăm sóc sức khỏe người lao động. Tổ chức WHO Tây Thái Bình Dương công nhận Viện là Trung tâm hợp tác quốc tế về Y học lao động và nhận định “Việc Việt Nam thành lập được Viện Y học lao động là một sự kiện của ngành Y học lao động của khu vực trong những năm 80 vì khi đó số Viện Y học lao động trong khu vực còn rất ít ỏi”.

AnyConv.com__4(12).jpg

Các đại biểu tham dự Hội nghị


Năm 1991, trước yêu cầu tăng cường công tác khoa học kỹ thuật về Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế quyết định đổi tên Viện thành “Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường” tại Quyết định số 1179/BYT-QĐ và đẩy mạnh thêm khoa Vệ sinh môi trường.

Trong quá trình phát triển đất nước, nhất là sau khi chúng ta gia nhập tổ chức thương mại quốc tế, nhiều cơ hội mới nhưng cũng nhiều thách thức lớn trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Đặc biệt trong vấn đề chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe người lao động, do gia tăng ô nhiễm môi trường từ các khu công nghiệp, gia tăng yếu tố nguy cơ sức khỏe theo ngành nghề. Năm 2014, Bộ Y tế quyết định đổi tên Viện lần thứ 2 thành Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường với định hướng là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế, là Viện quốc gia đầu ngành trong các lĩnh vực về Sức khỏe nghề nghiệp, Vệ sinh Sức khỏe môi trường, Vệ sinh Sức khỏe trường học và phòng chống tai nạn thương tích. Từ đây, với chức năng nhiệm vụ cụ thể bao quát toàn bộ hoạt động chăm sóc sức khỏe và vệ sinh môi trường, hoàn toàn phù hợp với Chiến lược Quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

AnyConv.com__1(19).jpg

Quang cảnh Hội nghị 

Trải qua 37 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ cán bộ và lãnh đạo Viện vẫn không ngừng phấn đấu, tìm tòi, sáng tạo, đổi mới phương pháp làm việc để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ Y tế giao, góp phần thiết thực vào công tác phòng ngừa bệnh tật, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường với nhiều hoạt động thiết thực trong nghiên cứu, đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, cung ứng dịch vụ chuyên ngành, phối hợp với các đơn vị nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường. Đến nay mạng lưới sức khỏe nghề nghiệp đã được phủ đầy và đáp ứng được nhu cầu trên khắp cả nước, Viện được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế đánh giá cao, nâng cao vị thế của Viện trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, với chủ trương sát nhập các đơn vị làm công tác Y tế dự phòng thành Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đối với các tỉnh là sự thay đổi rất lớn về tổ chức có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn cho triển khai công tác chuyên môn lĩnh vực sức khỏe nghề nghiệp vệ sinh môi trường và sức khỏe học đường. Với vị thế của một Viện quốc gia, năng lực chuyên môn sâu, độ ngũ cán bộ tâm huyết, Viện tự tin và cam kết đồng hành giúp các đơn vị vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ lĩnh vực chuyên ngành.

Năm 2019 là năm thứ 5 Viện tổ chức Hội nghị chỉ đạo tuyến, bên cạnh việc chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm hay và cùng tìm các giải pháp khắc phục những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh kỹ thuật chuyên ngành, triển khai tốt hơn nữa công tác sức khỏe nghề nghiệp, vệ sinh môi trường, sức khỏe trường học, chúng ta cùng chung tay Hưởng ứng “Chương trình Sức khỏe Việt Nam – khỏe để lao động sản xuất tốt hơn” do Thủ tướng chính phủ và Bộ Y tế phát động để tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

AnyConv.com__2(20).jpg

Một số tiết mục văn nghệ do các cán bộ, nhân viên Viện biểu diễn

 

Hội nghị cũng đã được nghe các báo cáo về kết quả chỉ đạo tuyến năm 2018 của Viện; Thực trạng quan tắc môi trường lao động và khám sức khỏe cho người lao động, giải pháp cải thiện; báo cáo tham luận của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh và Vĩnh Phúc. Qua đó chia sẻ kinh nghiệm để phối hợp có hiệu quả nhằm nâng cao năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe người lao động, kiểm soát bệnh nghề nghiệp, bệnh không lây nhiễm.


Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang