viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

NGUY CƠ NHIỄM ĐỘC AMONIAC TRONG MÔI TRƯỜNG LAO ĐỘNG VÀ CÁCH PHÒNG TRÁNH

12.10.2017 1273

ThS. Đinh Thục Nga

Khoa Bệnh nghề nghiệp

Viện Sức khỏe nghề nghiệp & Môi trường

Amoniac là một hợp chất vô cơ có công thức phân tử NH3. Trong tự nhiên, amoniac sinh ra trong quá trình bài tiết và xác sinh vật thối rữa.

Amoniac (NH3) nặng gần bằng nửa không khí. Sau khi nén và làm lạnh, nó biến thành chất lỏng giống như nước nhưng sôi ở nhiệt độ -33°C. Khi bị nén xong, NH3 dễ bay hơi. Ở điều kiện tiêu chuẩn, nó là một chất khí độc, không màu, có mùi khai, tan nhiều trong nước (ở điều kiện thường 1 lít nước hòa tan được 700 lít amoniac) do hình thành liên kết hydro với phân tử nước. NH3 có độ phân cực lớn do phân tử NH3 là chất dễ hóa lỏng. NH3 là dung môi hòa tan tốt: hòa tan các dung môi hữu cơ dễ hơn nước do có hằng số điện môi nhỏ hơn nước. Kim loại kiềm và các kim loại Ca, Sr, Ba có thể hòa tan trong NH3 lỏng tạo thành dung dịch xanh thẫm.

NH3 được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp như:

-Sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi

-Trong ngành công nghiệp thực phẩm: lên men, làm lạnh công nghiệp

-Trong ngành công nghiệp dệt: sản xuất sợi tổng hợp, nhuộm, tẩy bông len...

-Sản xuất các dung dịch xử lý nước thải, kiểm soát độ PH, dung dịch tẩy rửa, làm sáng bề mặt kính, sứ, thép và chống ăn mò kim loại.

-Ngoài ra, NH3 còn được dùng trong các ngành công nghiệp như: dầu khí, khai thác mỏ, sản xuất thuốc nổ, dược phẩm, cao su, thuốc trừ sâu...

Trên thực tế trong môi trường sống, lao động và sinh hoạt hằng ngày, hầu hết mọi người đều có thể hít phải khí NH3 qua đường hô hấp, chúng cũng có thể xâm nhập qua đường tiêu hóa hoặc tiếp xúc trực tiếp qua da. Nếu nồng độ NH3 vượt quá ngưỡng cho phép quy định thì có khả năng gây nhiễm độc cho con người. Hiện nay do nhu cầu phát triển sản xuất và kinh tế, NH3 được buôn bán và sử dụng rộng rãi trong các ngành công nghiệp và nông nghiệp nên con người rất dễ tiếp xúc, vì sự bất cẩn, rủi ro ngộ độc NH3 là tai nạn có thể gặp trong lao động và sinh hoạt hằng ngày. Nhưng nhiều người chưa hiểu biết đầy đủ nên vẫn chủ quan, thiếu cẩn thận khi phải làm việc, tiếp xúc với chất khí này. Từ đó dẫn đến những tai nạn đáng tiếc, xử trí không kịp thời để lại những di chứng nặng nề về sức khỏe hoặc tử vong. Mức độ tổn thương do NH3 tùy thuộc vào nồng độ và dạng tiếp xúc.

Hiện nay, Tổ chức Quản lý An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (OSHA) qui định: Giới hạn tiếp xúc với NH3 trong không khí tối đa là 15 phút ở nồng độ NH3 35 ppm, 8h ở nồng độ 25 ppm. Tại Việt Nam, nồng độ cho phép trong không khí xung quanh là 0,2 mg/m

Ảnh hưởng sức khỏe khi tiếp xúc với Amoniac

 Khi xâm nhập vào cơ thể, NH3 tác dụng với nước trong cơ thể tạo thành amoni hydroxit. Hóa chất này có tính ăn mòn và làm tổn thương tế bào.

Các mô tổn thương lại bị thoát dịch, sẽ làm biến đổi amoniac thành amoni hydroxit tiếp tục gây phỏng da, mắt, đường hô hấp, tiêu hóa. Chất này còn phá hủy các nhung mao và niêm mạc đường hô hấp là những cơ quan bảo vệ cơ thể chống lại sự nhiễm trùng. Các tổn thương ở đường hô hấp có thể bị thay thê bởi mô hạt và để lại di chứng bệnh phổi mạn tính về sau. Đồng thời các chất tiết, mô bị hoại tử, xác tế bào bị chết... kết hợp với trạng thái sưng phù, phản ứng co cơ trơn của đường hô hấp nên có khả năng gây ra tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp gây khó thở

Khi tiếp xúc với NH3, thường có những biểu hiện sau: Bệnh rong kinh, đau họng, tức ngực, ho, khó thở, kích ứng mắt. Triệu chứng thường giảm dần trong vòng 24 – 48h.

            Khi tiếp xúc trực tiếp với NH3 đậm đặc: da, mắt, họng, phổi có thể bị bỏng rất nặng, những vết bỏng có thể bị mù vĩnh viễn, bệnh phổi hoặc tử vong.

Nuốt phải amoniac đậm đặc có thể bị bỏng miệng, cổ họng và dạ dày, đau dạ dày nghiêm trọng và thậm chí thủng dạ dày trong vòng 48h – 72h sau khi nuốt phải

Biểu hiện khi ngộ độc amoniac

Ngộ độc xảy ra nếu hít, nuốt hoặc chạm vào các sản phẩm có chứa một lượng rất lớn các amoniac: ho, đau ngực (nặng), đau thắt ngực, khó thở, thở nhanh, thở khò khè. Chảy nước mắt và bỏng mắt, mù mắt, đau họng nặng, đau miệng, môi sức. Mạch nhanh, yếu, sốc. Lẫn lộn, đi lại khó khăn, chóng mặt, thiếu sự phối hợp, bồn chồn, ngẩn ngơ. Môi xanh lợt màu, bỏng nặng nếu tiếp xúc lâu. Đau dạ dày nghiệm trọng, nôn.

Cần làm gì khi tiếp xúc và sơ cứu người bị ngộ độc amoniac?


- Người vào cứu nạn nhân bị ngộ độc amoniac phải dùng mặt nạ.


- Hạn chế tiếp xúc với amoniac: Di chuyển ra nơi an toàn, cởi bỏ quần áo có dính khí độc, rửa sạch amoniac dính trên cơ thể bằng nước sạch.


- Nếu nạn nhân hôn mê cần làm hô hấp nhân tạo đến khi tỉnh. Trường hợp bệnh nhân không tỉnh. tiếp tục hà hơi thổi ngạt cho tới khi có nhân viên y tế tới hỗ trợ.


- Nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Các biện pháp dự phòng nhiễm độc Amoniac

- Những người làm việc trong môi trường có amoniac cần đề cao cảnh giác nguy cơ bị ngộ độc hơi amoniac cấp, bị bỏng lạnh và tai nạn nổ khi áp suất cao. Do vậy, tại các vị trí có nguy cơ rò rỉ NH3 cần phải có hệ thống cảnh báo và phương tiện xử lý sự cố, cấp cứu như nước, bình bọt...

- Những người làm việc với NH3 lỏng phải được đào tạo về chuyên môn và về cách xử lý các sự cố liên quan. Đồng thời phải có các thiết bị bảo hộ cần thiết như mặt nạ, kính bảo hộ, găng tay và ủng cao su butyl, quần áo bảo hộ chuyên dụng...

- NH3 lỏng có khả năng gây độc, nổ nên các bình chứa amoniac dùng khi chuyên chở, bảo quản và sử dụng phải tuân thủ nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn và kiểm tra các thiết bị theo đúng quy định.

- Người làm việc cần đeo mặt nạ hoặc kính đeo mắt và khẩu trang ướt, đi ủng và găng tay cao su butyl để phòng hộ. Khi thao tác cần đứng tại vị trí ngược hướng gió với nguồn NH3.Tại nơi làm việc với NH3 lỏng cần có sẵn nguồn nước dùng khi cần cấp cứu sự cố. Nếu chẳng may amoniac lỏng tiếp xúc vào da hoặc mắt, cần rửa ngay bằng nhiều nước nguội trong 15 phút và nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế cứu chữa. Hơi NH3 trong không khí có thể được loại trừ bằng cách dùng nước phun sương.

- Không để bình chứa NH3 lỏng ở khu vực có nhiệt độ cao trên 50 độ C, gần lửa hay phơi nắng quá lâu.

- Khi làm việc với NH3 cần phải kiểm tra kỹ bình chứa, van, vòi dẫn. Nếu phát hiện bất thường cần ngay lập tức dừng thao tác và tìm các biện pháp xử lý kịp thời.

- Đề phòng NH3 lỏng bay hơi sẽ thu nhiệt và giữ trạng thái lỏng lâu, khi tiếp xúc có thể gây bỏng lạnh rất nguy hiểm.

- Khi dùng amoniac lỏng đóng bình, không được dùng đến hết kiệt mà phải dừng sử dụng khi áp suất còn 0,05 MPa (0,5 atm).

- Tuyệt đối không sửa chữa bình chứa NH3 khi trong bình đang còn áp suất. Nghiêm cấm để lẫn bình, bồn chứa NH3 với các bình chứa các chất khác, đặc biệt là bình chứa khí oxy.

Tại Mỹ có quy định cụ thể về chế tạo, sử dụng bình, bồn chiết nạp NH3 lỏng như sau:

- Cơ sở thiết kế và sản xuất bình, bồn chứa phải có chứng chỉ, giấy phép của cơ quan chức năng. Từng loại bình, bồn phải có chứng nhận hợp quy.

- Người thao tác chiết nạp NH3 phải được đào tạo chuyên nghề và kiểm tra tay nghề. Khi thao tác chiết nạp phải thật thận trọng, mở van chậm để tránh áp suất thay đổi đột ngột.

- Không được nạp đầy bình, bồn. Khối lượng NH3 tối đa được nạp là G = 0,53 V.

- Kiểm tra các bình, bồn đựng theo định kỳ một hoặc 2 năm một lần. Phải đóng có dấu xác nhận của cơ quan chức năng khi kiểm tra lên vỏ bình, bồn. Dụng cụ chứa cần được định kỳ bảo dưỡng để tránh hư hỏng, rò rỉ. Các bình, bồn này khi không sử dụng nữa thì cần đặt nơi khô ráo, không dùng để đựng các chất khác khi chưa được đánh dấu lại theo đúng quy định.

- Cách phát hiện và xử lý các tình huống rò rỉ amoniac

- Để phát hiện vị trí rò rỉ amoniac trên đường ống có thể dùng giấy chỉ thị ướt (tẩm phenolphtalein, quỳ). Nếu có rò rỉ cần nhanh chóng khóa ngắt nguồn phát NH3, quạt thông gió. Dùng nước phun mưa toàn bộ hệ thống để hòa tan và pha loãng NH3. Cần nhanh chóng nằm thấp để tránh luồng NH3, bịt mũi bằng khẩu trang ướt và rời khỏi nơi ô nhiễm theo hướng ngược chiều gió, sau đó lái quạt gió hướng vào bình chứa NH3.

- Trong trường hợp sự cố van bình bị hỏng và có một lượng lớn NH3 lỏng bị thoát ra, có thể dùng đất, cát để ngăn hoặc đào hố chứa NH3 lỏng để giảm khả năng tràn rộng và hạn chế sự bốc hơi chất này. Có thể dùng bọt bình bọt cứu hỏa hoặc tấm nhựa để che lên bề mặt NH3 lỏng. Nếu không có đất, cát hoặc không đào được hố chứa NH3 lỏng thì có thể tìm cách quay thùng chứa NH3 lỏng sao cho van ở vị trí cao nhất nhằm hạn chế tốc độ NH3 thoát ra. (một lít NH3 thể lỏng thoát ra tương đương với 1.000 lít khí NH3).

- Chú ý: Các thao tác trên đòi hỏi tính chuyên nghiệp cao và tránh để cơ thể tiếp xúc với amoniac lỏng. Tuyệt đối không phun nước trực tiếp và amoniac lỏng vì sẽ làm bay hơi nhanh hơn, tăng nhanh nồng độ amoniac trong không khí. Mọi sự cố, tai nạn liên quan đến chiết nạp, sử dụng, chuyên chở NH3 cần phải báo cáo ngay với cảnh sát hoặc cơ quan có thẩm quyền.

Các tài liệu tham khảo

http://voh.com.vn/khoa-hoc-giao-duc/cach-xu-ly-khi-nhiem-doc-amoniac-249204.html

https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/cac-benh/khi-amoniac-anh-huong-suc-khoe-nhu-the-nao-3419362-p3.html

http://emedicine.medscape.com/article/820298-overview

Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang