viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

KHÁI NIỆM ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG VÀ CÁC YẾU TỐ CỦA ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG (Phần 2)

13.04.2017 604

2.3.5. Bụi

Bụi là tập hợp của nhiều hạt có kích thước nhỏ bé tồn tại trong không khí; nguy hiểm nhất là bụi có kích thước từ 0,5 - 5 micrômét; khi hít phải loại bụi này sẽ có 70 - 80% lượng bụi đi vào phổi và làm tổn thương phổi hoặc gây bệnh bụi phổi.

Bụi có thể phân loại theo nguồn gốc phát sinh:

- Bụi hữu cơ: nguồn gốc từ động vật, thực vật.

- Bụi nhân tạo: nhựa, cao su...

- Bụi kim loại: sắt, đồng ...

- Bụi vô cơ: silic, amiăng ...

Mức độ nguy hiểm của bụi phụ thuộc vào tính chất lý học, hóa học của chúng.

Về mặt kỹ thuật an toàn, bụi có thể gây tác hại dưới các dạng:

- Gây cháy hoặc nổ ở nơi có điều kiện thích hợp.

- Gây biến đổi về sự cách điện: làm giảm khả năng cách điện của bộ phận cách điện, gây chập mạch...

- Gây mài mòn thiết bị trước thời hạn.

Về mặt vệ sinh lao động, bụi gây tác hại dưới nhiều dạng:

- Tổn thương cơ quan hô hấp: xây sát, viêm kinh niên, tuỳ theo loại bụi có thể dẫn đến viêm phổi, ung thư phổi.

- Bệnh ngoài da: bịt lỗ chân lông, lở loét, ghẻ...

- Tổn thương mắt.

Bệnh bụi phổi phổ biến hiện nay bao gồm:

+ Bệnh bụi phổi silic (Silicose) là do bụi silic, hiện nay ở nước ta có tỷ lệ rất cao chiếm khoảng 87% bệnh nghề nghiệp.

+ Bệnh bụi phổi Amiăng (Asbestose) do bụi Amiăng.

+ Bệnh bụi phổi than (Antracose) do bụi than.

+ Bệnh bụi phổi sắt (Siderose) do bụi sắt.

2.3.6. Các hóa chất độc

Hóa chất ngày càng được dùng nhiều trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng cơ bản.... như: Chì, Asen, Crôm, Benzen, rượu, các khí bụi (sox, nox, cox...), các dung dịch Axít, Bazơ, Kiềm, Muối..., các phế liệu, phế thải khó phân hủy.

Hóa chất độc có thể ở trong trạng thái rắn, lỏng, khí, bụi....tùy theo điều kiện nhiệt độ và áp suất.

Hóa chất độc có thể gây hại cho người lao động dưới các dạng:

- Vết tích nghề nghiệp như mụn cóc, mụn chai, da biến màu...

- Nhiễm độc cấp tính khi nồng độ chất độc cao.

- Bệnh nghề nghiệp: khi nồng độ chất độc thấp dưới mức cho phép nhưng thời gian tiếp xúc với chất độc lâu đối với cơ thể suy yếu hoặc trên mức cho phép và mức đề kháng cơ thể yếu.

Hoá chất độc thường được phân loại thành các nhóm sau:

-        Nhóm 1: Chất gây bỏng kích thích da như Axít đặc, Kiềm...

-        Nhóm 2: Chất kích thích đường hô hấp như Clo, NH3, SO3,...

-        Nhóm 3: Chất gây ngạt như CO2, CH4, CO...

-        Nhóm 4: Tác dụng lên hệ thần kinh trung ương như rượu C­2­H­5OH, H2S, xăng...

-        Nhóm 5: Chất gây độc cho hệ thống cơ quan của cơ thể như: Hyđrôcacbon các loại (gây độc cho nhiều cơ quan), benzen, phênol (hệ tạo máu), Pb, AS (thiếu máu)....

Khi tiếp xúc với hóa chất độc, người lao động có thể bị nhiễm độc qua đường tiêu hóa, đường hô hấp hoặc qua da. Trong ba đường xâm nhập đó thì theo đường hô hấp là nguy hiểm nhất và chiếm tới 95% trường hợp nhiễm độc.

Chất độc thâm nhập vào cơ thể và tham gia các quá trình sinh hoá có thể đổi thành chất không độc, nhưng cũng có thể biến thành chất độc hơn như CH3OH thành Focmandehyt. Một số chất độc xâm nhập vào cơ thể còn tích đọng ở một số cơ quan như: Pb tích đọng ở xương...tới lúc có điều kiện thuận tiện chúng mới gây độc. Mặt khác chất độc cũng có thể được thải ra khỏi cơ thể qua da, hơi thở, nước tiểu, mồ hôi, qua sữa...tùy theo tính chất của mỗi loại hóa chất.

2.3.7. Các yếu tố vi sinh vật có hại

Một số nghề người lao động phải tiếp xúc với vi sinh vật gây bệnh, vi khuẩn, siêu vi khuẩn, ký sinh trùng, côn trùng, nấm mốc...như các nghề: chăn nuôi, sát sinh, chế biến thực phẩm, người làm vệ sinh đô thị, người làm lâm nghiệp, nông nghiệp, người phục vụ tại các bệnh viện, khu điều trị, điều dưỡng phục hồi chức năng, các nghĩa trang...

2.4. Các yếu tố nguy hiểm gây chấn thương trong lao động

Là những yếu tố điều kiện lao động xấu, là nguy cơ gây ra tai nạn lao động đối với người lao động, bao gồm:

2.4.1. Các bộ phận truyền động và chuyển động

Những trục máy, bánh răng, dây đai chuyền và các loại cơ cấu truyền động khác; sự chuyển động của bản thân máy móc như: ô tô, máy trục, tàu biển, sà lan, đoàn tàu hỏa, đoàn goòng ... tạo nguy cơ cuốn, cán, kẹp, cắt..; Tai nạn gây ra có thể làm cho người lao động bị chấn thương hoặc chết.

2.4.2. Nguồn nhiệt

Ở các lò nung vật liệu, kim loại nóng chảy, nấu ăn... tạo nguy cơ bỏng, nguy cơ cháy nổ…

2.4.3. Nguồn điện

Theo từng mức điện áp và cường độ dòng điện tạo nguy cơ điện giật, điện phóng, điện từ trường, cháy do chập điện..; làm tê liệt hệ thống hô hấp, tim mạch.

2.4.4. Vật rơi, đổ, sập

Thường là hậu quả của trạng thái vật chất không bền vững, không ổn định gây ra như sập lò, vật rơi từ trên cao trong xây dựng; đá rơi, đá lăn trong khai thác đá, trong đào đường hầm; đổ tường, đổ cột điện, đổ công trình trong xây lắp; cây đổ; đổ hàng hoá trong sắp xếp kho tàng....

2.4.5. Vật văng bắn

Thường gặp là phoi của các máy gia công như: máy mài, máy tiện, đục kim loại; gỗ đánh lại ở các máy gia công gỗ; đá văng trong nổ mìn....

2.4.6. Vật sắc nhọn

Thường gặp trong các ngành cơ khí, các mảnh sắc nhọn của nguyên vật liệu khi gia công cơ khí. Ngoài ra còn có kim tiêm, dao mổ trong ngành y tế có thể gây tổn thương và bệnh nghề nghiệp, nghề thủ công…

2.4.7. Nguy cơ nổ

- Nổ vật lý: Trong thực tế sản xuất có thể nổ khi áp suất của môi chất trong các thiết bị chịu áp lực, các bình chứa khí nén, khí thiên nhiên hoá lỏng vượt quá giới hạn bền cho phép của vỏ bình hoặc do thiết bị bị rạn nứt, phồng móp, bị ăn mòn do sử dụng lâu và không được kiểm định. Khi thiết bị nổ sẽ sinh công rất lớn làm phá vỡ các vật cản và gây tai nạn cho mọi người xung quanh.

- Nổ hóa học: Là sự biến đổi về mặt hóa học của các chất diễn ra trong một thời gian rất ngắn, với một tốc độ rất lớn tạo ra lượng sản phẩm cháy lớn, nhiệt độ rất cao và áp lực lớn làm hủy hoại các vật cản, gây tai nạn cho người trong phạm vi vùng nổ. Các chất có thể gây nổ hóa học bao gồm các khí cháy và bụi khi chúng hỗn hợp với không khí đạt đến một tỷ lệ nhất định kèm theo có mồi lửa thì sẽ gây nổ. Mỗi loại khí cháy nổ có thể nổ được khi hỗn hợp với không khí đạt được một tỷ lệ nhất định. Khoảng giới hạn nổ của khí cháy với không khí càng rộng thì sự nguy hiểm về giới hạn nổ hóa học càng tăng.

- Nổ vật liệu nổ (nổ chất nổ): Sinh công rất lớn, đồng thời gây ra sóng xung kích trong không khí và gây chấn động trên bề mặt đất trong phạm vi bán kính nhất định.

- Nổ của kim loại nóng chảy: Khi rót kim loại lỏng vào khuôn bị ướt, khi thải xỉ...

 

   ThS. Trần Văn Đại

        Khoa Tâm sinh lý lao động và Ecgonomi

       Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường

02439714361

Về đầu trang