viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

MỘT SỐ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC LAO ĐỘNG TRONG CẢI THIỆN ĐIỀU KIỆN LAO ĐỘNG, PHÒNG NGỪA TAI NẠN LAO ĐỘNG VÀ BỆNH NGHỀ NGHIỆP (Phần 2)

13.04.2017 493

  1. Đảm bảo các yếu tố về tâm lý- sinh lý lao động và Ecgônômi

- Đảm bảo tốt về đời sống vật chất cũng như tinh thần cho người lao động

- Đảm bảo điều kiện làm việc tốt: máy móc, thiết bị phải phù hợp với cơ thể của người lao động, không đòi hỏi người lao động phải làm việc quám căng thẳng, nhịp độ quá khẩn trương và thực hiện những thao tác gò bó...

- Đảm bảo chế độ lao động bao gồm: chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật, chế độ đối với lao động nữ, chế độ đối với lao động chưa thành niên, chế độ đối với người lao động cao tuổi, người tàn tật vv...

+ Đối với lao động nữ cần chú ý về tâm lý, sinh lý, thiên chức sinh con, nuôi con.

+ Đối với lao động chưa thành niên cần chú ý đến tâm lý, sinh lý, yêu cầu phát triển trí tuệ và nhân cách của họ. Không sử dụng lao động vị thành niên trong các công việc nghề, công việc cấm lao động chưa thành niên.

+ Đối với lao động là người cao tuổi, người tàn tật cần chú ý đến sức khoẻ, tâm lý, tiềm năng về trí tuệ và kinh nghiệm thực tế của họ.

+ Đối với người lao động làm việc trong điều kiện lao động có yếu tố độc hại, nguy hiểm cần thực hiện tốt chế độ trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, chế độ bồi dưỡng chống độc hại, nguy hiểm bằng hiện vật, chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi.

- Thực hiện chế độ chung bồi dưỡng hiện vật và chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi thích hợp sẽ giúp cho người lao động nhanh phục hồi sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng, giúp đào thải các chất độc hại đã xâm nhập vào cơ thể trong quá trình lao động sản xuất. Bồi dưỡng bằng hiện vật phải bảo đảm:

+ Đủ lượng dinh dưỡng cần thiết;

+ Ăn uống tại chỗ trong thời gian làm việc;

+ Giúp quá trình đào thải chất độc nhanh không gây tác dụng ngược.

- Xây dựng quan hệ hài hòa, hợp tác trong lao động vì sự phát triển của doanh nghiệp.

  1. Các biện pháp về quản lý, tổ chức lao động

4.1. Xây dựng và tổ chức thực hiện các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn, tiêu chuẩn vệ sinh lao động cùng với quy phạm, quy trình kỹ thuật sản xuất

Trong sản xuất, mọi công việc đều đòi hỏi phải tuân theo quy trình công nghệ, quy trình làm việc nhất định. Trong tổ chức sản xuất cũng đòi hỏi phải tuân theo những yêu cầu về kỹ thuật nhất định. Nói một cách khác là phải tuân theo quy phạm kỹ thuật thì mới bảo đảm sản xuất tốt. Muốn bảo đảm an toàn và sức khoẻ cho người lao động thì phải căn cứ vào quy trình sản xuất, vào kỹ thuật sản xuất, mà đề ra các biện pháp về kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động và các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động thích hợp.

Trong doanh nghiệp phải có đầy đủ các quy trình về kỹ thuật an toàn và thực hiện đúng các biện pháp làm việc an toàn. Các quy trình kỹ thuật an toàn phải được sửa đổi cho phù hợp mỗi khi thay đổi phương pháp công nghệ, cải tiến thiết bị.

4.2. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và kỹ thuật bảo hộ lao động

Công tác bảo hộ lao động bao gồm nhiều nội dung về khoa học và kỹ thuật nên đòi hỏi nhiều đến công tác nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

Những vấn đề về vệ sinh lao động như: thông gió, chiếu sáng, hút bụi, giảm tiếng ồn, cải thiện môi trường làm việc,... đều là những nội dung của khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động đòi hỏi phải nghiên cứu công phu và sử dụng các biện pháp kỹ thuật phức tạp mới giải quyết được.

Những vấn đề về kỹ thuật an toàn như: an toàn sử dụng điện, sử dụng các loại máy móc, thiết bị, sử dụng các loại hoá chất, các chất nổ, chất cháy, an toàn trong thi công xây dựng, trong sử dụng các thiết bị chịu áp lực, trong khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng... đều đòi hỏi phải đi sâu vào nghiên cứu khoa học kỹ thuật.

4.3. Tổ chức nơi làm việc hợp lý đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động

Nơi làm việc hợp lý là một khoảng không gian nhất định của diện tích sản xuất, được trang bị máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật liệu theo đúng yêu cầu các quy phạm, quy trình kỹ thuật an toàn và vệ sinh lao động để người lao động thực hiện nhiệm vụ sản xuất và công tác của mình một cách thuận lợi và bảo đảm an toàn.

4.4. Thông tin tuyên truyền và huấn luyện về công tác bảo hộ lao động và tổ chức thực hiện tốt các chế độ về bảo hộ lao động

Công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về bảo hộ lao động có mục đích truyền tải đến tất cả các đối tượng những thông tin, hiểu biết cần thiết, hướng dẫn cho họ những kỹ năng, nghiệp vụ, những kiến thức về khoa học kỹ thuật, về pháp luật để mọi đối tượng, đều phải biết chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, phòng tránh tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Việc nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền và huấn luyện về công tác bảo hộ lao động, việc áp dụng các phương pháp phương tiện có hiệu quả để tuyên truyền, huấn luyện về bảo hộ lao động, xây dựng một hệ thống chương trình giảng dạy, đề cương bài giảng về bảo hộ lao động phù hợp với từng đối tượng là yêu cầu bức thiết hiện nay.

Cần đưa môn học bảo hộ lao động vào giảng dạy ở trong nhà trường nhất là các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề, trường đào tạo cán bộ quản lý. Các cơ quan thông tin đại chúng cần tăng cường tuyên truyền giới thiệu các vấn đề về bảo hộ lao động để góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức về công tác này.

Mở rộng và nâng cao chất lượng đào tạo, huấn luyện và bồi dưỡng cán bộ chuyên trách về bảo hộ lao động ở cơ sở, nâng cao chất lượng đào tạo kỹ sư và cán bộ trên đại học về bảo hộ lao động trong các trường.

4.5. Thực hiện tốt chế độ khai báo điều tra và thống kê báo cáo tai nạn lao động

Tai nạn lao động là tai nạn xảy ra trong quá trình lao động hoặc có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ lao động, công tác do hậu quả của sự tác động đột ngột của các yếu tố nguy hiểm có hại, làm chết người hoặc làm tổn thương hoặc phá huỷ chức năng hoạt động bình thường của một bộ phận nào đó của cơ thể. Khi người lao động bị nhiễm độc đột ngột với sự xâm nhập vào cơ thể một lượng lớn các chất độc, có thể gây chết người ngay tức khắc hoặc huỷ hoại chức năng nào đó của cơ thể thì gọi là nhiễm độc cấp tính và cũng được coi là tai nạn lao động.

Để nghiên cứu phân tích, tìm ra nguyên nhân của các tai nạn lao động, diễn biến của tình hình tai nạn lao động trong các địa phương, các ngành theo từng thời gian, trên cơ sở đó để đề ra các biện pháp đề phòng tai nạn lao động tái diễn và chiến lược phòng ngừa tai nạn lao động ở một ngành hoặc trên phạm vi cả nước thì tất cả các vụ tai nạn lao động xảy ra đều phải được khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo chính xác kịp thời.

4.6. Quản lý bệnh nghề nghiệp và chăm sóc sức khoẻ người lao động

Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động. Bệnh xảy ra từ từ hoặc cấp tính. Một số bệnh nghề nghiệp không chữa khỏi và để lại di chứng. Bệnh nghề nghiệp có thể phòng tránh được. Từ khi tham gia lao động, con người cũng bắt đầu phải chịu ảnh hưởng tác hại của nghề nghiệp và do đó có thể bị bệnh nghề nghiệp.

Các nhà khoa học đều cho rằng người lao động bị bệnh nghề nghiệp phải được hưởng các chế độ bù đắp về vật chất, để có thể bù lại phần nào sự thiệt haị của họ về thu nhập từ tiền công lao động do bị bệnh nghề nghiệp đã làm mất đi một phần sức lao động. Phải giúp họ khôi phục sức khoẻ và phục hồi chức năng nếu y học có thể làm được.

Do vậy phải thực hiện tốt việc khám và quản lý sức khoẻ người lao động cũng như đảm bảo tốt phục hồi chức năng và chế độ BHXH, bồi thường đối với người lao động.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BLĐTBXH-BYT-TLĐLĐVN của Liên tịch Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
  2. Bảng kiểm an toàn máy móc, thiết bị của Viện nghiên cứu an toàn Liberty Mutual Hoa Kỳ (Liberty Mutual, Machine Safety Checklist).

 

                    ThS. Trần Văn Đại

                           Khoa Tâm sinh lý lao động và Ecgonomi

                          Viện Y học lao động và Vệ sinh môi trường


02439714361

Về đầu trang