viensknnmt@sknnmt.com.vn
02439714361
Gửi yêu cầu hỗ trợ

XÉT NGHIỆM GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG NƯỚC LỌC THẬN PHÒNG TRÁNH TAI BIẾN TRONG QUY TRÌNH CHẠY THẬN NHÂN TẠO

05.06.2017 1361

XÉT NGHIỆM GIÁM SÁT CHẤT LƯỢNG NƯỚC LỌC THẬN

PHÒNG TRÁNH TAI BIẾN TRONG QUY TRÌNH CHẠY THẬN NHÂN TẠO

Khoa Xét nghiệm và phân tích - NIOEH

 

Chạy thận nhân tạo là gì?

Thận là cơ quan chính để bài tiết các sản phẩm, chất độc trong cơ thể con người, nói cách khác thận có chức năng lọc để đào thải các chất độc. Với những người thận bị hư, suy thận thì chức năng lọc để đào thải các chất độc nói trên không đáp ứng được, dẫn tới các chất độc trong cơ thể tăng lên.

Khi mà hai quả thận hoàn toàn mất tác dụng thì chỉ còn hai cách: một là xin một quả thận của người khác để ghép vào mình, hai là cứ tuần vài lần đi đến trung tâm chuyên môn để lọc máu, mục đích là để thải những chất độc và nước dư thừa ra ngoài.

Việt Nam có gần 100.000 người suy thận ở giai đoạn cuối cần điều trị. Việc thay, ghép thận chi phí rất cao, nên bệnh nhân chủ yếu điều trị bằng kỹ thuật lọc máu, tức là chạy thận nhân tạo.

Có hai kiểu lọc máu. Nếu hút máu từ cơ thể cho chạy ra một cái máy để lọc hết chất độc, rồi lại truyền máu trở lại thì gọi là lọc máu bằng thận nhân tạo (hemodialysis). Nếu dùng một dung dịch đường glucose và muối bơm vào trong bụng để hút các chất độc từ cơ thể qua màng bụng, rồi rút ra ngoài, thì gọi là lọc máu qua màng bụng (peritoneal dialysis).

Những biến chứng có thể xảy ra trong quá trình chạy thận nhân tạo

Bản chất của chạy thận nhân tạo là có hệ thống màng lọc, qua màng lọc này cho phép thấm những chất độc trong cơ thể ra. Trong lọc thận nhân tạo, đường máu và đường dịch chia riêng, trong đó đường lọc máu sẽ có quả lọc. Có khoảng hơn 20 biến chứng có thể xảy ra trong quá trình lọc máu.

Thể trạng, sức khỏe người bệnh không tốt là một trong những nguyên nhân dễ dẫn tới sốc khi chạy thận. Đặc biệt với bệnh nhân có thêm bệnh về tim mạch.

Với những bệnh nhân đã có chỉ định chạy thận, thời gian chạy thận thường kéo dài và liên tục, do đó, người bệnh và cơ sở y tế cần được chuẩn bị đầy đủ và đảm bảo trong cả quá trình chạy thận, bao gồm: Máy móc, đường máu, đường dịch và quá trình chạy thận. Trong suốt thời gian chạy thận (3-4 tiếng/lần), cần có sự giám sát của nhân viên y tế.

Các biến chứng thường gặp nhất trong chạy thận nhân tạo có thể xảy ra, gồm: hạ huyết áp, buồn nôn và nôn, đau đầu, đau ngực, chuột rút ở bụng…

Các biến chứng ít gặp nhưng nặng như: biến chứng hệ thần kinh xảy ra trong hoặc ngay sau lọc máu, thường xảy ra trong 3-4 kỳ lọc đầu; hội chứng sa sút trí tuệ; hội chứng ép tim do tràn dịch hoặc tràn máu khoang màng ngoài tim; chảy máu cấp hoặc rối loạn đông máu; có thể gặp chảy máu não…Ngoài ra, một số biến chứng nữa thường xảy ra khi chạy thận nhân tạo, gồm: nhiễm trùng máu thông qua các vết chọc ven; tác dụng phụ khi dùng thuốc trong quá trình chạy thận như mề đay, mẩn ngứa, chóng mặt, dị ứng, nặng hơn là sốc phản vệ….

Các chỉ số cần giám sát trong quá trình chạy thận nhân tạo

Nước siêu tinh khiết – nước RO

Trong hệ thống chạy thận nhân tạo, nước là một trong hai nhân tố quan trọng nhất. Trung bình một bệnh nhân chạy thận nhân tạo cần tới 22.000 lít nước siêu tinh khiết mỗi năm. Do thận hư không còn khả năng lọc các tạp chất, ion và vi khuẩn xâm nhập vào máu từ nước truyền nên rất dễ có những rủi ro bất ngờ, kể cả tử vong. Các nguyên tố vô cơ như nhôm, thuỷ ngân, đồng, chì kẽm và các độc tố hữu cơ như nitơrat, nitrit, amoniac, chloramine, vi khuẩn, tảo, nấm đều gây tai biến.

Do đó, nước dùng cho thận nhân tạo cần phải được xử lý nghiêm ngặt: Đầu tiên là lọc thô, điều chỉnh nhiệt độ và pH. Sau đó là làm mềm, khử khoáng bằng trao đổi ion. Tiếp theo, nước được đưa qua bồn lọc carbon hoạt tính để hấp phụ các tạp chất hữu cơ. Công đoạn tinh lọc bắt đầu bằng màng Thẩm thấu ngược, chỉ cho nước đi qua và giũ lại tạp chất còn sót, kể cả các ion/ chất điện phân. Để chắc chắn hơn, có thể cho nước qua bộ trao đổi ion, khử toàn bộ các anion và cation.

Dịch thẩm tán siêu tinh khiết

Nước siêu tinh khiết có thể vẫn chưa đủ. Sau khi pha với dịch thẩm tán, dung dịch này còn phải qua một màng lọc nữa trong máy chạy thận. Đây là lớp bảo vệ cuối cùng ngăn chặn tạp chất, vi khuẩn có thể xâm nhập hệ thống sau quá trình tinh lọc.

Theo dõi bằng máy tính: Trong quá trình chạy thận, nước và dịch thẩm tán được giám sát bằng các thết bị chuyên dùng và được lập trình. Các thông số chất lượng nước, nhiệt độ, áp suất, lưu lượng, tỷ lệ nước và dịch pha đều cần tuyệt đối chính xác.

Do yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và độ ổn định, chỉ những hệ thống xử lý được kiểm định đạt chuẩn AAMI (Association for the Advancement of Medical Instrumentation) của Mỹ mới được sử dụng. Ngoài ra, các hãng sản xuất còn phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm với chi phí không nhỏ.

Rửa quả lọc theo quy trình

Vệ sinh quả lọc cũng là một quy trình quan trọng trong lọc máu. Nếu việc sử dụng lại quả lọc tuân thủ theo đúng các quy định đề ra trong việc kiểm tra, rửa, vệ sinh... sẽ không có vấn đề gì xảy ra. Việc sử dụng một lần hoặc tái sử dụng quả lọc thận đều có thể gặp phải biến chứng, song hầu hết biến chứng thường xảy ra trong lần đầu tiên sử dụng quả lọc. Tái sử dụng quả lọc có thể liên quan đến các phản ứng dị ứng, sốt, sự tồn dư các hóa chất...

Các cơ sở điều trị thận nhân tạo đều đã rửa quả lọc theo quy trình, mỗi người bệnh một đường ống và khay riêng có dán tên người bệnh để đảm bảo vệ sinh.

Trong lọc thận nhân tạo, nếu quả lọc máu không được sát trùng hàng ngày, rửa không sạch cũng gây nguy hiểm cho người bệnh.

Tránh tai biến bằng cách nào?

  1. Đối với người bệnh

Để việc chạy thận đạt được kết quả tốt nhất, an toàn nhất, người bệnh cần:

- Vào ngày chạy thận cần đến đúng giờ. Sau khi chạy thận xong, cần ở lại bệnh viện đủ lâu để được theo dõi toàn diện.

- Chạy thận theo đúng lịch của bác sĩ chỉ định.

- Người bệnh chạy thận cần chú ý tới chế độ ăn uống, vì giữa những lần chạy thận cơ thể sẽ bị tích nước. Cần tránh ăn những loại đồ ăn/đồ uống khiến cơ thể tích nước và hạn chế ăn đồ ăn, đồ uống có chứa nhiều kali, phosphor, muối như nước ép rau củ hoặc đồ uống thể thao. Không nên uống quá nhiều nước vì tích quá nhiều nước sẽ gây tăng cân, phù, thay đổi huyết áp, tạo gánh nặng cho tim, khó thở.

- Khi tính toán lượng nước tiêu thụ trong ngày, cũng cần tính cả lượng nước trong các loại thực phẩm nhiều nước như xúp, kem, dưa hấu, nho, táo, cam, cà chua... Hạn chế tiêu thụ muối (dưới 5g muối/ngày) vì muối sẽ khiến cơ thể khát nước và khiến người bệnh uống nhiều nước hơn. Cần bổ sung đủ protein và năng lượng để duy trì sức khỏe.

  1. Đối với cơ sở y tế chạy thận nhân tạo

Giám sát chặt chẽ chất lượng nước RO sử dụng cho chạy thận được coi là “trái tim” của dịch vụ lọc máu.

Trước khi bắt đầu ca chạy thận đầu tiên, đơn vị phải test một chỉ số gọi là test không để nước bị cứng. Nước cứng tức là nước có nhiều canxi và magie, nếu không test, nước bị cứng thì đồng loạt người bệnh sẽ tăng huyết áp.

Nước RO sử dụng cho chạy thận sẽ được dùng pha dịch đậm đặc. Đây là sản phẩm duy nhất sản xuất trong nước, còn lại tất cả các thành tố sử dụng cho chạy thận đều phải nhập khẩu. Loại nước này gần giống nước cất (nước cất hoàn toàn vô trùng) phải được kiểm định đạt chuẩn AAMI (Association for the Advancement of Medical Instrumentation) của Mỹ mới được sử dụng.

AAMI standard

TT

Contaminant 

Maximum (mg/L)  

1

Calcium 

2

2

Magnesium 

4

3

Potassium

8

4

Sodium

70

5

Antimony 

0.006

6

Arsenic 

0.005

7

Barium 

0.1

8

Beryllium 

0.0004

9

Cadmium 

0.001

10

Chromium 

0.014

11

Lead 

0.005

12

Mercury 

0.0002

13

Selenium 

0.09

14

Silver 

0.005

15

Aluminium

0.01

16

Chloramines 

0.1

17

Chlorine 

0.5

18

Copper  0.1

0.1

19

Fluoride 

0.2

20

Nitrate (as Nitrogen) 

2

21

Sulphate

100

22

Tin

0.1

23

Zinc

0.1

24

Bacteria 

100 cfu/ml (Action level = 50 cfu/ml)

25

Endotoxin

0.25EU/ml  (Action level = 0.125EU/ml)

 

Có 25 chỉ số lý hóa và vi sinh cần kiểm soát trong nước RO và tùy theo từng loại chỉ số mà tần suất giám sát khác nhau, ví dụ như nước cứng test hằng ngày, có chỉ số Endotoxin test theo tháng hoặc đột xuất và có chỉ số kiểm tra mỗi ba tháng.

Dịch lọc thận cũng là một thành tố quan trọng trong dịch vụ lọc máu nhân tạo. Nhưng hiện hầu hết các cơ sở y tế có dịch vụ lọc máu đã sử dụng loại thiết bị pha dịch lọc, nếu có bất thường thì máy sẽ báo ngay về chất lượng của dịch một cách tự động.

Vai trò của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường

Hiện nay, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường có PTN đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2005, trong đó chỉ tiêu xét nghiệm Endotoxin trong nước lọc thận (nước RO) đã được BOA công nhận đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2005.

Viện SKNN&MT hiện đang thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng nước RO cho các cơ sở y tế có dịch vụ chạy thận nhân tạo như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Vinmex, Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Hòe Nhai, Trung tâm thận học Hà Nội, Viện tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Hữu nghị Nghệ An, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ…

Mẫu được cán bộ PTN có chuyên môn trực tiếp lấy, xét nghiệm theo quy trình đạt tiêu chuẩn ISO 17025:2005 và quản lý chất lượng theo ISO 9001:2008. Khi có kết quả bất thường, Viện sẽ thông báo ngay cho đơn vị sử dụng để có phương án khắc phục sớm nhất đảm bảo chất lượng dịch vụ và an toàn cho người bệnh.









Tin liên quan

02439714361

Về đầu trang